Miếu Bà Chúa Xứ: Bạn Đã Thật Sự Hiểu Để "Hành Hương"
Bạn là người có niềm tin vào cuộc sống tâm linh. Bạn mong muốn gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc, gặp nhiều thuận lợi trong công việc hàng ngày. Hơn thế nữa, bạn muốn tâm hồn mình trở nên thoải mái, vững vàng trước mọi khó khăn. Và bạn chọn "Miếu Bà Chúa Xứ" cho hành trình "hành hương" đầy thiêng liêng của mình.
Một cuộc hành hương dù với bất kỳ mục đích nào thì chắc chắn nó cũng sẽ mang một ý nghĩa tâm linh cực kỳ quan trọng đối với bạn và tất cả du khách đến đây. Do đó, để có được một hành trình hành hương đúng nghĩa, bạn hãy giành thời để nghiên cứu và hiểu rõ về địa điểm, lịch sử và đặc điểm văn hóa của nơi mà mình muốn tới.
Đồng thời, những kiến thức thực tế của những người "hành hương" đi trước cũng sẽ giúp bạn tránh gặp phải các tình huống bực mình, không như ý muốn, mất tiền oan, mà tệ hơn cả là khiến bạn lo lắng và bất an sau chuyến đi.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ về "hành hương" và ý nghĩa của nó thì có thể tham khảo thêm tại bài viết : Những địa điểm hành hương linh thiêng tại miền sông nước
Vậy hành hương Miếu Bà Chúa Xứ cần phải biết những gì?
Những kiến thức và kinh nghiệm được đúc kết dưới đây của Hoàng Vũ sẽ giúp bạn có được một hành trang đầy đủ nhất cho cuộc hành hương Miếu Bà Chúa Xứ của mình.
MỤC LỤC
1. Miếu Bà Chúa Xứ Ở Đâu?
2. Kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ có gì đặc biệt?
+ Tượng Bà Chúa Xứ Có Từ Khi Nào?
+ Tượng Bà Chúa Xứ: Tượng "Đàn Ông" Hay "Đàn Bà"
+ Hình Dáng Tượng Bà Chúa Xứ
3. Giai Thoại Về Miếu Bà Chúa Xứ
+ Pho Tượng Cổ Trên Núi Sam
+ Cầu Nguyện Của Bà Châu Thị Tế
+ Những Giai Thoại Xoay Quanh Việc Thỉnh "Tượng
4. Một Số Lưu Ý Khi "Hành Hương" Tại Miếu Bà Chúa Xứ
+ Không Được Chụp Hình Tượng Bà
+ Thời Điểm Hành Hương
+ Giữ Cẩn Thận Ví Tiền
+ Tham Khảo Giá Kĩ Trước Khi Mua
+ Không Mua Hay Thuê Heo Quay Tại Chùa
+ Luôn Cảnh Giác Với Các Trường Hợp "Cho – Nhận" Lộc, Thả Chim Phóng Sinh
Miếu Bà Chúa Xứ Ở Đâu?
Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những công trình tôn giáo tiêu biểu của tỉnh Long An. Tọa lạc tại chân núi Sam, thành phố Châu Đốc, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 210Km. Bạn có thể sử dụng xe máy, xe khách hoặc thuê xe du lịch đối với đoàn "hành hương" để di chuyển đến đây.
Miếu Bà không chỉ là kiến trúc mang ý nghĩa "chỗ dựa tinh thần" cho người dân mà còn là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của con người và cơ sở vật chất nơi đây.
Hàng năm, Miếu Bà Chúa Xứ thu hút hơn 3 triệu lượt du khách đến thăm quan, hành hương, cúng bái, tham dự lễ hội,… Số tiền hỷ cúng tại miếu lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông, trường học, kênh rạch, trạm cấp nước phục vụ cho người dân xung quanh khu vực Núi Sam đều được tài trợ từ nguồn tiền này.
Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn Hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc Gia. Được lưu giữ và tổ chức quy mô từng năm.
Ngoài những kiến trúc tôn giáo đặc trưng như: Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu thì Châu Đốc còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như: Rừng Tràm Trà Sư, Chợ Tịnh Biên,… Do đó, nếu bạn đã đến với Miếu Bà Chúa Xứ, đã đến với Châu Đốc thì hãy sắp xếp thời gian khám phá và trải nghiệm cuộc sống nơi đây.
Kiến Trúc Miếu Bà Chúa Xứ Có Gì Đặc Biệt?
Miếu Bà có từ khi nào, do ai xây dựng đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Nhưng dựa vào các di tích còn sót lại thì nhìn chung các nhà nghiên cứu đều phán đoán rằng miếu được xây dựng sau năm 1824.
Thuở ban đầu, Miếu Bà Chúa Xứ đơn giản chỉ được cất đơn sơ bằng tre lá tại một vũng đất trũng ở phía Tây Bắc Núi Sam. Kiến trúc vô cùng đơn giản, lưng miếu quay về vách núi, chính điện nhìn hướng ra các con đường và cánh đồng làng phía dưới.
Gắn liền với sự huyền bí của Núi Sam – một trong "Thất Sơn" nổi tiếng của khu vực miền Tây, các giai thoại cùng sự linh thiêng của Miếu Bà Chúa Xứ ngày càng được người dân nơi đây tin tưởng, ủng hộ và xây dựng lại khang trang hơn. Mà đáng để nhắc đến nhất là việc cúng bái và xây sửa lại của bà Châu Thị Tế - Phu Nhân ông Thoại Ngọc Hầu. Bạn có thể hiểu rõ hơn ở Mục 3: Giai Thoại Về Miếu Bà Chúa Xứ.
Kiến trúc hình khối dạng hoa sen nở, với các mái tam cấp ba tầng, lợp ngói màu xanh, góc mái vút cao, được bố cục theo hình chữ Quốc - 国 của Miếu Bà ngày nay là kết quả của cuộc tái thiết lớn vào năm 1972 (hoàn thành năm 1976) dựa theo mẫu thiết kế của 02 kiến trúc sư là Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.
Bà Chúa Xứ được thờ tại Chánh Điện. Tượng của Bà được đặt trên bệ cao, hai bên là hạc trắng – biểu tượng cho cốt cách tiên thánh của Bà.
Khi thăm quan ngôi Miếu, bạn còn được chiêm ngưỡng nhiều hoa văn cổ, đậm chất nghệ thuật ở cổ lầu chánh điện. Các pho tượng thần phía trên cao, bốn cây cột cổ tại chánh điện, những nét chạm trổ tinh xảo, mềm mại là những minh chứng lịch sử còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tượng Bà Chúa Xứ Có Từ Khi Nào?
Ban đầu, tượng Bà Chúa Xứ được phát hiện ở lưng chừng núi Sam. Về sau được bà Châu Thị Tế cùng các bô lão trong triều lúc bấy giờ dời xuống chân núi để trông coi và lập miếu thờ. Ngày nay, ở lưng chừng núi Sam còn sót lại một bệ đá được các nhà khoa học xác định là chỗ Bà Chúa Xứ "tọa" trước kia.
Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định rằng tượng Bà Chúa Xứ được làm từ chất liệu đá sa thạch. Tuy nhiên chất liệu này lại không có ở vùng Thất Sơn, cũng như khắp vùng Nam Bộ. Do đó, các nhà khoa học cho rằng pho tượng được đưa từ nơi khác đến hoặc đá sa thạch từ nơi khác được chuyển đến để chế tác.
Nhưng có một điều lạ, đó là "niên đại" của bức tượng được xác định là hàng ngàn năm về trước (vào khoảng thế kỷ thứ VI). Vậy với phương tiên thô sơ thời đó, thì làm cách nào để vận chuyển pho tượng nặng khoảng 3 tấn cùng bệ đá nặng cả tấn lên lưng chừng núi? Đây vẫn còn là một bí ẩn chưa thể giải đáp.
Tượng Bà Chúa Xứ: Tượng "Đàn Ông" Hay "Đàn Bà"
Ông Malleret, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp, sau thời gian nghiên cứu tượng Bà Chúa Xứ (trong khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1944) đã cho biết rằng: "đây là loại tượng nam thần với hình dáng vương giả, đang ngồi nghỉ ngơi. Tượng được chế tác theo mô típ thần Vinus thường thấy ở các nước Ấn Độ, Campuchia, Lào và có giá trị rất lớn về nghệ thuật".
Cùng với đó, trong một tác phẩm của nhà văn Sơn Nam cũng có nhận định: "Tượng Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy.....".
Hình Dáng Tượng Bà Chúa Xứ
Tượng Bà vốn là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi. Chân trái của tượng xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải. Chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá.
Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải. Tóc tượng uốn thành những búp xoăn, thả về phía sau. Trên mặt tượng có một vành ngấn, là nơi đặt mão lên đầu tượng. Trong vành ngấn này có những hoa văn hình móc câu, riêng ở phần vành nằm trước trán của tượng có một hình tròn, chung quanh là những hoa văn kiểu ngọn lửa. Trên cánh tay để trần của tượng có một vành đai, giống như cái vòng đeo tay.
Toàn bộ dáng hình của pho tượng là dáng hình một người đàn ông tràn đầy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc bụng phệ. Trên ngực của tượng có một vành đai như vòng kiềng, trước ngực là hình mảnh trăng lưỡi liềm khá rộng. Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25 m, được tạc liền với một thớt đá cùng loại (bệ tượng) dày chừng 10 cm.
Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.
Giai Thoại Về Miếu Bà Chúa Xứ
Pho Tượng Cổ Trên Núi Sam
Theo truyền miệng của người dân làng Vĩnh Tế thì ngày xưa có 1 pho tượng đá lớn, hình dáng quý tộc, ngồi ngự trên lưng chừng núi Sam. Không ai trong làng biết được nó có từ khi nào, từ đâu đến. Nhưng họ luôn tin tưởng vào sự linh nghiệm và ứng nghiệm của pho tượng này.
Họ thường xuyên đến đây đốt nhang, cầu nguyện cho cuộc sống của mình được yên bình, không bị thú dữ tấn công, mưa thuận gió hòa, gia đình ấm êm, hạnh phúc. Và dần dần, pho tượng đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân nơi đây.
Tương truyền, trong một lần cúng bái, một cô gái trong làng “lên đồng”, đến cạnh pho tượng và tự xưng là "Bà Chúa Xứ". Cả làng kéo đến quỳ lạy pho tượng và cô gái “lên đồng”. Từ đó trong tín ngưỡng dân gian đặt tên cho pho tượng ấy là Bà Chúa Xứ, dù rằng lúc đó hình dáng của pho tượng không thật sự rõ ràng là nam hay nữ.
Cầu Nguyện Của Bà Châu Thị Tế
Giai thoại này gắn liền với công cuộc xây dựng Kinh Vĩnh Tế của ông Thoại Ngọc Hầu vào những năm 1820. Con kênh này nối liền giữa Châu Đốc và Hà Tiên, dài gần 100 Km, rộng 50m. Là hệ thống kênh quan trọng giúp thoát lũ, xả phèn, tưới tiêu cho hàng vạn hecta ruộng.
Ngày nay, đứng từ núi Sam nhìn xuống bạn sẽ chiêm ngưỡng được toàn cảnh kênh Vĩnh Tế.
Để hoàn thành công trình vĩ đại này, ông Thoại Ngọc Hầu đã phải huy động đến hơn 8 vạn dân công từ khắp mọi miền của Tổ Quốc và làm ròng rã trong vòng 5 năm liền (từ 1820 – 1824).
Sử sách ghi lại rằng, khi Thoại Ngọc Hầu khởi sự đào kênh Vĩnh Tế đã gặp rất nhiều khó khăn, dân công thường xuyên phát sinh bệnh tật tử vong, đặc biệt là các dân công đến từ khu vực miền Trung xa xôi.
Lúc này, Bà Châu Thị Tế - chánh thất của ông Thoại Ngọc Hầu đã noi theo dân làng, hàng ngày không ngại khổ cực leo lên núi, đốt nhang cầu khấn Bà Chúa Xứ phù hộ cho công trình đào kênh được thuận lợi.
Có thể nhờ những lời khấn vái của bà Châu Thị Tế mà công việc sau này trở nên suôn sẻ hơn. Dân công ít bệnh tật hơn, kênh cũng được đào nhanh hơn. Cuối cùng đến năm 1824, công trình hoàn tất trong sự hân hoan của cả người dân bản xứ và hơn 8 vạn dân công.
Và để tỏ lòng biết ơn Bà Chúa Xứ, bà Châu Thị Tế và các bô lão trong triều đã làm lễ và “thỉnh” tượng Bà xuống chân núi để tiện cho việc thờ cúng của người dân.
Giai thoại này cũng là một trong những yếu tố để các nhà khoa học cho rằng Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng vào khoảng những năm 1824 bởi bà Châu Thị Tế và các bô lão trong triều. Tuy nhiên phán đoán này cũng chỉ là dựa vào những câu chuyện truyền miệng của dân gian chứ không có bằng chứng chứng minh xác đáng nào.
Những Giai Thoại Xoay Quanh Việc Thỉnh "Tượng"
Để di chuyển Tượng Bà xuống chân núi, bà Châu Thị Tế đã phải huy động đến hàng trăm quân lính. Tuy nhiên, dù dùng hết mọi cách có thể nhưng pho tượng nặng 3 tấn này lại không hề xê dịch dù chỉ là một chút.
Trong lúc mọi người đang "đau đầu" suy nghĩ tìm phương án thì một bô lão trong triều nằm mộng thấy Bà Chúa Xứ mách bảo rằng phải nhờ 9 cô gái đồng trinh thì mới có thể di chuyển pho tượng được. Và vậy là chỉ với 9 cô gái tay yếu chân mềm, pho tượng đã được di chuyển xuống núi một cách nhẹ nhàng.
Có một điều lạ là khi di chuyển đến chân Núi Sam thì tượng bỗng nhiên trở nên nặng nề và không thể di chuyển được nữa. Mọi người cho rằng, Bà Chúa Xứ muốn chọn nơi này để tọa lạc và tu hành nên đã tiến hành hạ tượng và xây dựng Miếu cho Bà.
Đây có thể một câu chuyện thêu dệt của người dân nơi đây để tăng tính thần thánh cho bức tượng Bà Chúa Xứ. Nhưng dù sao tất cả chúng đều xuất phát từ niềm tin, từ sự tín ngưỡng của mọi người đối với Bà.
Do vậy, nếu bạn cũng có lòng tin thì hãy tin tưởng theo cách mà "cái tâm" của mình cho rằng là đúng nhất. Bạn đã bỏ thời gian, bỏ công sức và kể cả là bỏ ra một khoản tài chính để có được một cuộc "hành hương" tới Miếu Bà Chúa Xứ, vậy thì tại sao không thả hồn mình tự do vào một thế giới thần thánh để niềm tin trở nên vững chắc hơn.
Những Lưu Ý Khi "Hành Hương" Miếu Bà Chúa Xứ
Không Được Chụp Hình Tượng Bà
Bạn có thể tự do chụp ảnh kỷ niệm khi thăm quan Miếu Bà Chúa Xứ. Tuy nhiên, khu vực Chánh điện nơi thờ cúng Tượng Bà được xem là chốn linh thiên. Và để thể hiện lòng tôn kính với Bà Chúa Xứ, ban quản lý Miếu sẽ cấm chụp ảnh ở khu vực này.
Bạn hãy lưu ý để tránh gặp phải những trường hợp khó xử khiến cuộc hành hương không được như ý muốn.
Thời Điểm Hành Hương
Bạn có thể thực hiện "hành hương" Miếu Bà Chúa Xứ bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên tùy thuộc vào sở thích của bản thân mà có thể lựa chọn một trong hai khoảng thời sau:
+ Từ Tháng 1 đến Tháng 4 âm lịch: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ là một trong những lễ hội kéo dài nhất trong cả nước. Bắt đầu đầu tháng Giêng cho đến hết tháng 4 âm lịch. Do đó, đây là khoảng thời gian đông người viếng nhất trong năm.
Nếu bạn lựa chọn đi trong khoảng thời gian này thì chắc chắn bạn có sẽ được những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, đồng thời bạn sẽ gặp phải những khó khăn về di chuyển, nơi ăn, nơi ở phát sinh do lượng người đổ về tham gia lễ hội quá đông và các dịch vụ nơi đây không thể đáp ứng được.
+ Từ Tháng 5 Âm lịch trở đi: Ngoài việc không được tham gia trải nghiệm lễ hội Vía Bà Chúa Xứ thì bạn còn phải đối mặt với những cơn mưa bất chợt trong ngày (đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10).
Nếu bạn muốn kết hợp hành hương Miếu Bà Chúa Xứ cùng tham quan Châu Đốc thì bạn thể tham khảo thêm bài viết: Những kiến thức cần biết khi du lịch Châu Đốc.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hương, xung quanh miếu mọc lên rất nhiều các dịch vụ như bán đồ cúng, cho thuê heo quay, thả chim phóng sinh, xem quẻ đầu năm,… Và cũng như nhiều điểm du lịch khác thì giá cả của những dịch vụ này cũng không hề rẻ.
Do đó để tránh gặp phải những trường hợp "tiền mất tật mang", bạn hãy nhớ thật kĩ những lưu ý tiếp theo ở dưới đây nhé!
Giữ Cẩn Thận Ví Tiền
Như đã nói ở trên, trong khoảng từ tháng giêng cho đến tháng 4 âm lịch, Miếu Bà Chúa Xứ sẽ có rất đông người cúng viếng. Do đó, thường xảy ra các trường hợp móc túi dù rằng đội bảo vệ của Miếu đã được tăng cường rất nhiều.
Khi đi hành hương tốt nhất là bạn không nên mang theo quá nhiều tiền mặt. Nếu có túi xách thì nên cài chặt và đeo phía trước để tiện quan sát, tránh bị mất cắp.
Tham Khảo Giá Kĩ Trước Khi Mua
Khi chở các đoàn hành hương Miếu Bà Chúa Xứ, Hoàng Vũ luôn cố gắng tạo nhiều thời gian dừng chân nhất có thể ở các trạm dừng và khuyến khích khách hàng của hoa quả, trái cây tại đây. Vì giá cả ở đây sẽ rẻ hơn rất nhiều so với ở trong Miếu.
Tuy nhiên trong trường hợp bạn di chuyển bằng xe khách và không thể mua trên đường đi thì bạn nên lựa chọn các cửa hàng lớn xung quanh chùa. Và nhớ PHẢI THAM KHẢO GIÁ THẬT KĨ TRƯỚC KHI MUA.
Ngoài ra, bạn cũng đừng mua nhang đèn từ những người bán lẻ đi theo mời mọc. Vì chắc chắc giá sẽ mắc hơn rất nhiều. Không những thế, khi bạn mua bạn còn phải "đối mặt" với những lời chèo kéo của những người bán vé số, xin tiền, gửi lộc,…. khác.
Không Mua Hay Thuê Heo Quay Tại Chùa
Tốt nhất là bạn nên chuẩn bị heo quay mang đi từ nhà hoặc nếu không thể thì bạn tuyệt đối không nên mua hay thuê heo quay tại chùa. Ngoài lý do giá cả ở đây sẽ mắc hơn khoảng từ 50.000 – 100.000 VNĐ/Kg thì còn phát sinh những trường hợp "heo tái sử dụng" của những người trước đó đã đem vào cúng.
Luôn Cảnh Giác Với Các Trường Hợp "Cho – Nhận" Lộc, Thả Chim Phóng Sinh
Vì lợi ích mà một số người dân nơi đây sẵn sàng "lừa đảo" khách hành hương để lấy tiền. Những trường hợp "dúi lộc" vào tay khách hành hương rồi đòi tiền không còn là điều mới mẻ tại Miếu Bà Chúa Xứ.
Ngoài ra, sau khi thắp hương, bạn cũng đừng sử dụng các dịch vụ thả chim phóng sinh. Vì khi người bán thả chim ra, họ sẽ dùng nhiều cách để tăng số lượng chim phóng sinh. Cho dù bạn đã cẩn thận thỏa thuận trước giá cả thì số tiền mà bạn phải trả chắc chắn cũng sẽ tăng lên một cách chóng mặt.
Hành hương là một hành trình mang ý nghĩa rất quan trọng về tâm linh do đó tốt nhất bạn đừng nên sử dụng các dịch vụ kể trên, cho dù được mời chào nhiệt tình như thế nào để tránh gặp phải những phiền lòng, những cãi vã không đáng có.
Hy vọng với những kiến thức được cung cấp trong bài viết này, bạn sẽ có được chuyến đi hành hương Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Châu Đốc như ý muốn!
TIN TỨC LIÊN QUAN
Du lịch Châu Đốc: Bạn Cần Biết Những Gì?
23/08/2017
11 Điểm Du Lịch Không Thể Bỏ Qua Ở Châu Đốc
26/08/2017